Bóng đá Indonesia đang có những thành tích đi lên trông thấy từ chính sách nhập tịch. Tuy vậy, câu chuyện này cũng gây ra nhiều tranh cãi. Sử dụng quá nhiều cầu thủ nhập tịch sẽ khiến cơ hội ra sân của những cầu thủ bản địa trở nên ít đi. Ví dụ tiêu biểu nhất là ở 2 trận đấu tại vòng loại 3 World Cup vừa qua, ĐT Indonesia đều tung ra đội hình có tới 9 cầu thủ nhập tịch.
Mới đây, một bộ phận CĐV Indonesia đã giăng một biểu ngữ trên cầu dành cho người đi bộ ở Jakarta. Biểu ngữ có nội dung phản đối chương trình nhập tịch.
“Nhập tịch không dành cho NHM chúng tôi. Chúng tôi ủng hộ sân chơi dành cho các cầu thủ trẻ, hãy xã hội hóa bóng đá Indonesia”.
Vấn đề về cầu thủ nhập tịch không còn mới ở Indonesia hiện tại. Nhiều chuyên gia, lãnh đạo cũng đã đưa ra những ý kiến trái chiều và vẫn sẽ có tranh luận trong thời gian tới.
Theo chủ tịch LĐBĐ Indonesia, ông Erick Thohir, nhập tịch là xu hướng toàn cầu, không bị cấm bởi FIFA và nhiều ĐTQG mạnh khác cũng đang làm điều này, nguồn lực cầu thủ nhập tịch hiện tại là cần thiết với ĐT Indonesia.
“Tôi nghĩ trong thời đại dân chủ, sự khác biệt về quan điểm là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, LĐBĐ Indonesia (PSSI) và tôi tin chắc rằng Bộ trưởng và chính phủ, chúng ta phải có mục tiêu nâng cao thành tích của ĐT Indonesia. Đó là mục tiêu chính. FIFA quy định rằng mọi quốc gia đều có thể nhập tịch cầu thủ.
Chúng ta có thể nhìn vào Hà Lan, họ có rất nhiều cầu thủ gốc Surinam. Pháp cũng có nhiều cầu thủ đến từ thuộc địa của họ. Tây Ban Nha cũng từng đưa Diego Costa từ tuyển quốc gia Brazil về, Italia cũng đưa các cầu thủ có gốc gác Argentina về. Bóng đá hướng tới xu thế toàn cầu và tất cả đều mở cửa theo quy định của FIFA", ông Erick Thohir chia sẻ.