Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM vừa báo cáo UBND TPHCM về tình hình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp SVĐ Thống Nhất với tổng mức đầu tư hơn 149 tỷ đồng.
Dự kiến, SVĐ Thống Nhất sẽ được cải tạo khu khán đài A, C, D, sân cỏ, đường chạy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và một số hạng mục khác. Sân vận động cũng xây mới khu khán đài B, C1, D1 với quy mô 3 tầng.
Trong quá trình thi công dự án, sân vận động sẽ xây thêm nhà điều hành xử lý nước thải, nhà tập kết rác, bể nước ngầm sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý nước, cấp thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống đèn khu khán đài, cây xanh, thảm cỏ và hệ thống chống sét.
Nhiều năm nay, SVĐ Thống Nhất đã chứng kiến tình trạng xuống cấp và sức chứa khá nhỏ, chỉ khoảng 14.400 chỗ. Hiện tại, Sân Thống Nhất chuẩn bị cải tạo khán đài B, nâng sức chứa lên khoảng 19.000 chỗ ngồi.
Theo dự kiến của Ban quản lý, mặt bằng dự án sẽ được bàn giao thi công vào tháng 1/2025. Sau 10 tháng thực hiện, công trình sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 12/2025.
Việc cải tạo sân vận động Thống Nhất nhằm đáp ứng nhu cầu thi đấu, đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao hướng đến thành tích cao, phục vụ việc tập luyện thể thao cho thành phố. Đồng thời, dự án hướng tới đảm bảo cảnh quan, môi trường của trung tâm Thành phố, phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần X năm 2026.
Ngoài ra, việc đầu tư, cải tạo sân vận động Thống Nhất nhằm mục tiêu phát triển cơ sở thể dục thể thao đúng tầm của một đô thị đặc biệt, trung tâm thể thao của cả nước. Dự án được đầu tư với tầm nhìn chiến lược cho một số môn thể thao cơ bản trọng điểm và có ưu thế của thành phố, tiến đến thể thao chuyên nghiệp.
SVĐ Thống Nhất là SVĐ có tuổi đời lâu năm nhất tại Việt Nam hiện tại. Sân được xây từ năm 1929 và hoàn thành sau đó hai năm. Ban đầu sân được đặt tên là Renault - Chủ tịch Ủy hội thành phố Chợ Lớn thời bấy giờ. Năm 1960, sân có tên gọi mới là Cộng Hòa sau khi nâng cấp. Công trình được đổi sang tên Thống Nhất vào 2/9/1975.