Huyền thoại Arsenal - Thierry Henry, từng chia sẻ với báo giới: “Khi mới đặt chân đến đây, tôi hiểu rằng mình phải tuân theo những giá trị cốt lõi của đội bóng. Khi đó, có hai điều không thể bàn cãi: Thứ nhất, Bergkamp là một vị thánh. Thứ hai, tôi bắt buộc phải ghét Tottenham".
Câu nói nổi tiếng của huyền thoại Thierry Henry đã tóm tắt một cách chính xác mối quan hệ đầy thù hận giữa hai đội bóng lớn nhất ở Bắc London. Nhưng làm thế nào mà hai câu lạc bộ này lại trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhau? Hãy cùng nhau lật lại những trang sử để tìm hiểu nguồn gốc của mối thù này.
Khởi nguồn của mối thù
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1913, khi Arsenal - dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Henry Norris, quyết định chuyển sân vận động của họ đến Highbury, một khu vực nằm cách sân của Tottenham chỉ 4 dặm (hơn 6km). Quyết định này ngay lập tức gây ra sự phẫn nộ từ phía Tottenham và người hâm mộ của họ, những người coi đây là sự xâm phạm lãnh thổ.
Tuy nhiên, điều này chỉ là khởi đầu cho mối thù sâu sắc giữa hai đội. Sự kiện thực sự đẩy mối quan hệ này xuống vực thẳm xảy ra vào năm 1919, sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc. Khi giải đấu cao nhất của nước Anh quyết định mở rộng từ 20 lên 22 đội, một cuộc bỏ phiếu được tổ chức để quyết định đội nào sẽ được thăng hạng.
Mặc dù Arsenal chỉ đứng thứ 6 ở giải hạng Nhì, nhưng nhờ tài ngoại giao và khả năng vận động hành lang của Norris, họ đã giành được tấm vé lên chơi ở giải đấu cao nhất, trong khi Tottenham - đội đứng cuối bảng ở mùa giải trước đó, phải xuống hạng.
Quyết định này đã gây ra sự phẫn nộ lớn từ phía Tottenham. Mặc dù họ chỉ mất một năm để trở lại giải đấu cao nhất sau đó, nhưng hạt giống của sự thù hận đã được gieo mầm và nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng người hâm mộ của cả hai đội.
Thù hận kéo dài qua thời gian
Kể từ đó, mối thù giữa Arsenal và Tottenham chỉ càng ngày càng sâu sắc thêm. Mỗi trận derby Bắc London đều trở thành một cuộc chiến không khoan nhượng, không chỉ trên sân cỏ mà còn trên khán đài. Những lời chửi thề, chai lọ và thậm chí cả tiền xu đã trở thành "vũ khí" quen thuộc của các cổ động viên trong những trận đấu này.
Một khoảnh khắc đáng nhớ xảy ra vào đầu năm 2014, khi tiền đạo Theo Walcott của Arsenal bị chấn thương nặng trong trận đấu với Tottenham tại FA Cup. Khi được đưa ra khỏi sân bằng cáng, Walcott đã dùng ngón tay ra hiệu tỷ số 2-0 để trêu tức người hâm mộ Tottenham, dẫn đến một cơn mưa tiền xu từ khán đài.
Sự cạnh tranh giữa hai đội không chỉ dừng lại ở kết quả trên sân cỏ. Arsenal - với thành tích ấn tượng hơn trong lịch sử, đã sáng tạo ra "Ngày St Totteringham" - đánh dấu mà Tottenham không thể vượt qua Arsenal trên bảng xếp hạng Premier League.
Khái niệm này được cho là ra đời từ năm 2002, lần đầu xuất hiện trên trang web của CĐV Arsenal 'Arseweb', nhưng mãi đến năm 2010 mới thực sự trở nên phổ biến. Từ đó, St Totteringham đã trở thành điểm nhấn quen thuộc trong các cuộc thảo luận về trận derby Bắc London.
Đáp lại, người hâm mộ Tottenham cũng có "Ngày St. Hotspur" vào ngày 14/4, kỷ niệm chiến thắng 3-1 của họ trước Arsenal trong trận bán kết FA Cup năm 1991.
Những vụ chuyển nhượng gây tranh cãi
Một trong những sự kiện gây chấn động nhất trong lịch sử đối đầu giữa Arsenal và Tottenham là vụ chuyển nhượng của Sol Campbell năm 2001. Campbell - một biểu tượng phòng ngự của Spurs, từng dành 9 năm khoác áo đội bóng và nhiều lần bày tỏ lòng trung thành với Tottenham. Thế nhưng, mọi thứ đã đảo lộn khi anh bất ngờ ký hợp đồng với kình địch Arsenal.
Việc này không chỉ khiến các CĐV Tottenham sững sờ, mà còn châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ kéo dài suốt nhiều năm. Từ vị trí người hùng, Campbell nhanh chóng trở thành "Judas" (Kẻ phản bội) trong mắt người hâm mộ Spurs, phải đối mặt với những lời chỉ trích cay nghiệt và áp lực nặng nề mỗi khi thi đấu với đội bóng cũ.
Campbell không phải là cầu thủ đầu tiên dám "vượt ranh giới" giữa hai đội bóng Bắc London, nhưng anh chắc chắn là cái tên nổi bật nhất. Trong hơn 120 năm lịch sử, chỉ có 15 cầu thủ từng dám khoác áo cả Arsenal lẫn Tottenham.
Những cầu thủ này, khi quyết định chuyển đội, đều bước vào một cuộc chiến với áp lực vô cùng lớn từ người hâm mộ. Việc phản bội tình yêu của một đội bóng để khoác áo đội kình địch đồng nghĩa với việc họ sẽ luôn bị theo dõi, soi xét và chịu sự phản đối quyết liệt từ những người từng một thời tôn vinh họ.
Mối thù giữa Arsenal và Tottenham đã ăn sâu vào văn hóa của cả hai câu lạc bộ, nó đã tồn tại hơn một thế kỷ và không có dấu hiệu suy giảm. Trong quá khứ, Arsenal và Tottenham đã gặp nhau tổng cộng 195 lần trên mọi đấu trường và Arsenal đang chiếm ưu thế khi giành 82 chiến thắng. Tottenham cũng không kém cạnh khi sở hữu 61 chiến thắng, cùng 52 trận kết thúc với tỷ số hòa.
Nếu tính riêng tại Ngoại hạng Anh, người hâm mộ đã được chứng kiến 60 trận derby Bắc London, nơi Arsenal thắng 22 trận, Tottenham thắng 15 trận và 23 trận kết thúc mà không đội nào giành được chiến thắng.
Vào 20h ngày 15/9 (theo giờ Việt Nam), trận derby thứ 196 giữa Arsenal và Tottenham sẽ diễn ra trong khuôn khổ vòng 4 Ngoại hạng Anh mùa giải 2024/25. Mặc dù hiện tại hai đội có thứ hạng khá chênh lệch trên bảng xếp hạng (Arsenal xếp thứ 4, Tottenham đứng thứ 10), sức nóng của trận đấu không hề suy giảm. Lịch sử đối đầu hơn một thế kỷ cùng những duyên nợ từ quá khứ luôn khiến mỗi cuộc chạm trán giữa hai đội mang tính chất đặc biệt và không thể đoán trước.