Bruno Guimaraes và ‘nghệ thuật hắc ám’ đầy gợi đòn tại Premier League

Thứ hai, 12/05/2025 | 22:54 (GMT+7)

Với việc đã bị phạm lỗi đến 102 lần tại Premier League 2024/25. Bruno Guimaraes đang định nghĩa lại một kỹ năng khá độc lạ: kỹ năng…câu thẻ.

Trong bối cảnh Premier League ngày càng khốc liệt, nơi các đội bóng đề cao tốc độ luân chuyển, áp lực tầm cao và những tình huống pressing dữ dội, bóng đá hiện đại đã dần trở thành cuộc chơi của những người có thể tạo ra khác biệt chỉ trong khoảnh khắc. Kevin De Bruyne với những đường chuyền xuyên phá khiến cả hệ thống phòng ngự chao đảo. N’Golo Kanté, dù đã sang Ả Rập nhưng vẫn là biểu tượng cho mẫu tiền vệ đánh chặn không biết mệt. Những mẫu cầu thủ như vậy mới là “gu” của thời đại.

Nhưng rồi, giữa dòng chảy ấy, có một người không theo quy chuẩn thông thường là Bruno Guimaraes, tiền vệ của Newcastle United, người vừa soán ngôi “vua câu phạt” từ tay Jack Grealish sau 2 mùa liên tiếp bị phạm lỗi hơn 100 lần. Không màu mè, không highlight lòe loẹt, nhưng cực kỳ hiệu quả và đáng sợ – theo cách của riêng anh.

Với 102 lần bị phạm lỗi mùa này, Bruno không chỉ trở thành cầu thủ bị chơi xấu nhiều nhất Premier League, mà còn bỏ xa người gần nhất là Matheus Cunha (70 lần). Con số ấy không chỉ cho thấy anh thường xuyên bị đối phương nhắm tới, mà còn phản ánh một điều sâu xa hơn: Bruno rất biết cách tự biến mình thành tâm chấn của thế trận.

Không phải những đường chuyền sắc lẹm hay thể lực dồi dào, vũ khí mạnh nhất của Bruno Guimaraes lại là...khả năng khiến đối phương phải phạm lỗi.
Không phải những đường chuyền sắc lẹm hay thể lực dồi dào, vũ khí mạnh nhất của Bruno Guimaraes lại là...khả năng khiến đối phương phải phạm lỗi.

Và ở đây, chúng ta không nói đến kiểu “ăn vạ” rẻ tiền hay lăn lộn khắp sân. Bruno không giả vờ. Anh tinh quái, có tính toán, và sở hữu khả năng đọc tình huống ở mức cao. Giữa những thế trận mà Newcastle bị ép sân, Bruno không có tốc độ như Bellingham, không có sải chân như Pogba thời đỉnh cao, nhưng anh luôn tìm ra một khe hở nhỏ để giải vây bằng… một pha phạm lỗi có lợi.

Chính HLV Eddie Howe cũng phải thừa nhận:

“Tôi không dạy cầu thủ của mình làm thế. Nhưng đó là lối chơi của Bruno. Cậu ấy luôn sẵn sàng nhận bóng ở bất kỳ tình huống nào – dù bị áp sát.”

Và đó là điểm khác biệt. Không phải tiền vệ nào cũng dám nhận bóng khi bị vây ráp. Không phải ai cũng đủ khôn ngoan để biến áp lực thành lợi thế. Và cũng không phải ai cũng đủ “già đời” để điều khiển nhịp trận đấu bằng cách… ngã xuống đúng lúc.

Người ta có thể tranh luận: “Câu phạt, làm vỡ vụn trận đấu thì có gì hay?” Nhưng khi bạn bị ép sân, cần 3 giây để hít thở, cần một quả đá phạt giữa sân để tái thiết đội hình – thì “tiểu xảo” của Bruno bỗng trở thành phao cứu sinh.

Không đơn thuần chỉ là câu giờ rẻ tiền, cách Bruno 'câu thẻ' có thể giúp đồng đội có một nhịp để thở giữa trận đấu căng thăng.
Không đơn thuần chỉ là câu giờ rẻ tiền, cách Bruno 'câu thẻ' có thể giúp đồng đội có một nhịp để thở giữa trận đấu căng thăng.

Và nếu đôi lúc, anh còn ghi được những siêu phẩm, như bàn thắng vào lưới Chelsea vào ngày 11.5 vừa qua, thì người ta sẽ không còn thấy anh là một kẻ “lắm chiêu” nữa.Mà là một tiền vệ hiện đại, biết tồn tại trong mọi hoàn cảnh, bằng cái đầu lạnh và đôi chân nóng.

Góp ý / Báo lỗi

Để xem thêm nhiều thông tin thể thao hấp dẫn khác, hãy theo dõi bản tin thể thao 365 để luôn nhận được những thông tin thể thao, bóng đá mới nhất, những trận đấu hấp dẫn của các giải đấu bóng đá hàng đầu.